Bối cảnh Cuộc xâm lược Nam Tư

Tháng 10 năm 1940, Phát xít Ý đã phát động cuộc chiến tranh xâm chiếm Hy Lạp nhưng cuối cùng đã bị quân Hy Lạp đánh bật trở lại lãnh thổ Albania. Nhà độc tài Đức Adolf Hitler nhận thấy rằng cần phải giúp đỡ người bạn đồng minh của mình, nhà độc tài Ý Benito Mussolini. Hitler làm điều này không chỉ để giúp cứu vãn thanh thế đang bị suy giảm của phe Trục, mà còn nhằm ngăn cản nước Anh sử dụng lãnh thổ Hy Lạp để ném bom các mỏ dầu Romania, nguồn cung cấp dầu mỏ chủ yếu của Đức Quốc xã.[9]

Trong quá trình chuẩn bị can thiệp vào Hy Lạp, sau khi đã thành công bằng các hiệp định với Hungary, RomaniaBulgaria để họ nhanh chóng gia nhập theo phe Trục, Hitler bắt đầu gây áp lực để Nam Tư cùng tham gia vào Hiệp ước Ba bên.[10][11] Hoàng tử Paul, nhiếp chính của Nam Tư, nhận thấy mình không còn đồng minh tại Balkan, đã nhượng bộ trước sức ép này, và vào ngày 25 tháng 3 năm 1941, Nam Tư đã gia nhập Hiệp ước Ba bên.[12] Thế nhưng động thái này đã vấp phải sự phản đối từ giới sĩ quan quân sự chiếm ưu thế tại Serbia và một bộ phận công chúng, bao gồm phần lớn dân số Serbia và những người tự do, người cộng sản.[13] Một cuộc đảo chính đã nổ ra ngày 27 tháng 3 năm 1941 do các sĩ quan quân đội Serbi chống đối Paul lãnh đạo, Paul đã bị lật đổ và thay thế bằng Quốc vương Peter II của Nam Tư.[11][14]

Khi biết tin về cuộc đảo chính tại Nam Tư, Hitler vô cùng giận dữ và đã triệu tập các cố vấn quân sự của mình và tại Berlin ngày 27 tháng 3. Cùng ngày xảy ra cuộc đảo chính, ông ta đã ban hành Chỉ thị Führer số 25 trong đó coi Nam Tư như một nhà nước thù địch.[15] Mặc dù những nhà cai trị mới của Nam Tư sẵn sàng tiếp tục tham gia Hiệp ước Ba bên[16], nhưng điều này đã không làm nguôi cơn giận của Hitler, bởi vì trên thực tế cuộc đảo chính này đã làm xóa bỏ chính sách ngoại giao thân Đức tiêu biểu ở Nam Tư. Hitler đã coi cuộc đảo chính này như một sự xúc phạm cá nhân, và ra lệnh "hủy diệt Nam Tư về mặt quân sự và với tư cách một quốc gia" (Jugoslawien militärisch und als Staatsgebilde zu zerschlagen),[17] mà "không cần đợi tuyên bố có thể xảy ra về sự trung thành của chính phủ mới".[18]

Ngày 1 tháng 4, Nam Tư đổi tên Bộ tư lệnh Xung kích thành Bộ tư lệnh Chetnik, sau khi các lực lượng du kích Serbia và Macedonia từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất chống đối lại chính quyền trung ương. Bộ tư lệnh này được dự định sẽ lãnh đạo một cuộc chiến tranh du kích trong trường hợp đất nước bị chiếm đóng.[19] Tổng hành dinh của nó được chuyển từ Novi Sad đến Kraljevo ở nam trung Serbia vào ngày 1 tháng 4.[19]

Ngày 2 tháng 4, đại sứ Đức đã được triệu về nước để "mạn đàm", các nhân viên sứ quán còn lại cũng được lệnh rời khỏi thu đô và cảnh báo cho các sứ quán của những quốc gia thân thiện tiến hành sơ tán tương tự. Đây là thông điệp không thể nhầm lẫn rằng đất nước Nam Tư sắp bị xâm chiếm.[20] Hitler quyết định xâm lược Nam Tư trước khi tấn công Hy Lạp và trong khi tiếp tục chuẩn bị cho cuộc xâm lược Liên Xô,[11] mặc dù Bộ tư lệnh Tối cao Đức đã cảnh báo rằng điều này sẽ làm chậm trễ ít nhất 4 tuần cuộc tấn công Liên Xô so với kế hoạch ban đầu.[11]

Hungary

Hungary đã gia nhập Hiệp ước Ba bên vào ngày 20 tháng 11 năm 1940. Trong tháng tiếp theo, vào ngày 12 tháng 12, họ cũng ký với Vương quốc Nam Tư một hiệp ước kêu gọi một sự "hòa bình vĩnh viễn và thân hữu đời đời".[21] Giới lãnh đạo Hungary đã bị chia rẽ sau khi Chỉ thị Chiến tranh số 25 của Đức được ban hành ngày 27 tháng 3 năm 1941. Nhiếp chính Miklós Horthy và giới quân sự ủng hộ việc tham gia xâm chiếm Nam Tư và tiến hành động viên vào ngay hôm sau. Thủ tướng Pál Teleki tìm cách ngăn không cho quân Đức tiến qua lãnh thổ Hungary và trích dẫn hiệp định hòa bình với Nam Tư như một trở ngại trong việc hợp tác với Đức.[22] Ngày 3 tháng 4, Chỉ thị Chiến tranh số 26 được ban hành nếu chi tiết kế hoạch tấn công và cơ cấu bộ chỉ huy cho cuộc xâm lăng, cũng như hứa hẹn những lãnh thổ mà Hungary sẽ giành được.[23] Cùng ngày hôm đó, Teleki đã tự tử bằng súng. Tối hôm đó, Horthy, đang tìm kiếm một sự thỏa hiệp, đã thông báo cho Hitler biết rằng Hungary sẽ tuân thủ hiệp ước, mặc dù có vẻ như nó sẽ không còn hiệu lực nếu như Croatia ly khai và như vậy Nam Tư không còn tồn tại nữa.[24] Kịch bản này đã được thực hiện sau khi Nhà nước Độc lập Croatia tuyên bố thành lập tại Zagreb ngày 10 tháng 4, và Hungary liền gia nhập cuộc chiến, cho quân đội vượt qua biên giới Nam Tư vào ngày hôm sau.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc xâm lược Nam Tư http://books.google.com.au/books?id=4PgwCKQQP1gC http://books.google.com.au/books?id=4iqOAfXNrDcC http://books.google.com.au/books?id=8LwbMT2lrwAC http://books.google.com.au/books?id=zI77vuDI6_sC&d... http://books.google.ca/books?id=RaBh3kd2HoMC http://books.google.com/?id=A8X6UH58dlgC http://books.google.com/?id=fqUSGevFe5MC http://books.google.com/books?id=R8d2409V9tEC http://books.google.com/books?id=mMDfQqkq2_EC http://books.google.com/books?id=mXiSKULRN-oC&prin...